CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ & XÂY DỰNG TDHOUSE

THI CÔNG NHÀ XE NHIỀU TẦNG BẰNG KHUNG THÉP : NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý (Phần 1)

Loạt bài viết chứa đựng các vấn đề cần quan tâm, làm rõ (cho chủ đầu tư, các nhà thầu không chuyên, hoặc các bạn kỹ sư đang tìm hiểu về thi công nhà xe bằng thép) khi xây dựng nhà xe nhiều tầng (2 tầng, 3 tầng trở lên) bằng kết cấu thép.

Các kiến thức trong bài viết bao gồm: Lựa chọn kết cấu móng, đà kiềng, cấu tạo nền. Phần thân gồm có: Lựa chọn khoảng cách cột, độ dốc của ram dốc, chiều cao tầng, bề dày sàn bê tông, cốt thép sàn, có đinh hàn hay không? Tải trọng tính toán là bao nhiêu? Sàn có bị rung không, lan can làm bằng thép gì, cao bao nhiêu?....ngoài ra còn nhiều điều sẽ được đề cập trong loạt bài THI CÔNG NHÀ XE NHIỀU TẦNG BẰNG KẾT CẤU THÉP. Nếu cần biết đơn giá xây dựng nhà để xe là bao nhiêu hãy gọi ngay số 0914100976 để được tư vấn.

Kính mời độc giả đón xem, nếu thấy hay xin hãy copy đường link gửi cho người khác cùng xem.

Kiến thức là của chung, cho đi để được nhận lại, xin đừng giữ riêng cho mình.

Trân Trọng,

Giám đốc Công ty Nhà thép TDHOUSE

Ths. Ks. Huỳnh Phước Trường

 

Tổng quan

Ngày nay các công trình công công như bênh viện, trường học, trung tâm thương mại…và các công ty lớn đều cần nhà để xe cho nhân viên. Có loại 1 tầng, 2, 3 tầng trở lên và đa số đều làm bằng kết cấu thép, vì nhà xe bằng khung thép được thi công nhanh, công trường sạch sẽ gọn gàng (không ván khuôn ,cây chống), vượt được nhịp lớn và giá cả phải chăng.

Hình 1, TDHOUSE đang lắp dựng nhà xe kết cấu thép 3 tầng

Bài viết này nêu lên các điểm cần lưu ý khi lắp dựng nhà xe bằng kết cấu thép để giúp chủ đầu tư xây dựng được công trình tốt nhất có thể, tránh mắc các sai lầm đáng tiếc.

Các điểm cần lưu ý:

       1. Phần móng, đà kiềng, Không làm móng có được không?

Phần móng: Tùy vào điều kiện chất là đất yếu hay đất tốt (đúng ra dùng từ ‘đất khỏe’ hợp lý hơn), số tầng và khoàng cách các cột (để biết được tải trọng xuống móng) mà chọn loại móng cho phù hợp.

        1.1 Móng đơn

 Nếu đất tốt thì ta nên chọn móng đơn để chi phí thấp mà vẫn chịu lực tốt. Đất tốt hay yếu nếu không có các thông số khả năng chịu tải của đất đi kèm, thì chỉ là đánh giá mang tính cảm giác, là sự chủ quan, hay kinh nghiệm của người đào/làm móng. Mặc khác, đánh giá đất yếu hay tốt – nếu xét theo quy mô công trình, thì kiểu nhận xét trên không còn đúng nữa: Nếu ta xây 1 tòa nhà chọc trời lên móng đơn thì rõ ràng đất này tốt cỡ nào cũng là yếu, và nếu ta xây 1 nhà tranh với tải trọng chân cột chỉ khoảng trăm ký thì đất yếu nào cũng tốt.

Hình 2, Một số hình ảnh móng đơn.

Tuy vậy vẫn có một vài thông số đánh giá trạng thái đất tốt hay xấu tương ứng với cảm nhận chung của chúng ta về đất, điển hình là thông số Hệ số nền Cz (kN/m3). Cz có được qua tính toán hoặc dùng thí nghiệm bàn nén tại hiện trường. Nó là 1 đại lương liên quan đến lực nén và độ lún tương ứng của bàn nén. Theo Kar von Terzaghi, các loại sét có Cz>70,000 kN/m3 là loại đất tốt. Và cát được gọi là chặt khi Cz>200,000 kN/m3.

Hình 3, Thí nghiệm bàn nén hiện trường (nguồn ảnh: testsago)

Thí nghiệm bàn nén hiện trường cho ta cái nhìn chân thật nhất về sức chịu tải của đất, từ đó tính toán được móng cho công trình. Ngoài ra cũng có thể khoan khảo sát thí nghiệm để tìm các thông số cơ lý, từ đó tính toán sức chịu tải của nền đất.

Kết luận: Khi thiết kế móng cho các công trình nói chung và Nhà xe nhiều tầng bằng kết cấu thép nói riêng, cần làm thí nghiệm bàn nén hoặc khảo sát địa chất để biết chính xác đất yếu hay tốt một cách khoa học, không nên làm theo chủ quan của người thợ, cai thầu.

Tuy vậy nếu tải trọng chân cột công trình là nhỏ: dưới 40 tấn (theo chủ quan người viết bài), một kỹ sư có nhiều am hiểu (kiến thức + kinh ngiệm) về nền móng, hoàn toàn có thể quyết định có làm móng đơn được không (trường hợp không có thí nghiệm), vì họ nhìn vào đất và ước lượng được các thông số quan trọng (dựa vào kinh nghiệm các mẫu đất tương tự trước đó có thí nghiệm) để tính toán. Chủ đầu tư có thể yên tâm vì họ biết chính xác tải trọng công trình, hệ số vượt tải cũng như cho ‘hệ số an toàn’ khá cao.

        1.2 Móng cọc

Nếu là khu vực đất yếu (khu đất yếu mới san lấp, khu vực gần sông, đất bùn…) thì nên làm móng cọc bê tông cốt thép (BTCT). Tùy vào tải trọng chân cột mà các kỹ sư sẽ toán số lượng cọc cũng như tiết diện và cốt thép đài cọc. Các nhà xe bằng khung thép 2 hoặc 3 tầng có bước cột 5-7m thường có tải trọng chân cột khoảng 20-50T, ở dải tải trong này thường chỉ cần ép 1 cọc là đủ cho mỗi cột, tuy nhiên theo tiêu chuẩn nếu móng có 1 cọc, cần có đà kiềng giằng 2 phương, nếu vậy trên mặt bằng sẽ có rất nhiều đà kiềng làm chi phí tăng cao. Do đó để tiết giảm chi phí, ta có thể bỏ các đà kiềng này và thay bằng lớp bê tông sàn trệt, xem nó có chức năng giằng 2 phương như đà kiềng, và nếu có cơ quan thẩm tra, kỹ sư thiết kế cần biện luận để bảo vệ quan điểm.

Hình 4, Một bản vẽ chi tiết móng cọc

Lưu ý trong thiết kế móng cọc ép là cần tận dụng tối đa công suất của máy và ưu tiên chiều dài cọc, sau đó tới số lượng cọc, rồi mới tới tiết diện cọc. Rất thường xuyên, chỉ cần ép thêm vài mét cọc nhưng sức chịu tải tăng lên đáng kể, có khi bằng cả 2 cọc có chiều dài ngắn hơn.

       1.3 Phần đà kiềng: Có cần không? Số lượng? Bố trí như thế nào?

Để trả lời được các câu trả lời này, cần biết được chức năng của kiềng là gì?!

Đà kiềng thông thường có 3 chức năng: Đỡ tường, kiềng các móng lại với nhau cho chắc chắn (theo phương ngang) và thứ 3 là góp phần hạn chế lún lêch giữa các móng với nhau (theo phương đứng)

Như vậy, đà kiềng khá quan trọng trong nền móng dù có hay không có tường bên trên. Tuy nhiên trong trường hợp địa chất tốt và đồng đều, tải trọng không lớn lắm thì sự lún lệch không đáng kể, khi đó không cần làm đà kiềng cho móng.

Hình 5, Hình ảnh đà kiềng 1 công trình do TDHOUSE thi công

     1.4 Không làm móng cho nhà xe 3 tầng bằng khung thép có được không?

Có nhiều trường hợp mặt bằng công trình có nền bê tông sẵn, chủ đầu tư thường hỏi nhà thầu không làm móng có được không? Thường sẽ nhận được câu trả lời là không và nếu nhà xe có tầng lầu thì gần như chắc chắn không ai chọn phương án không làm móng do nó quá mạo hiểm.

Có cột thì thì phải có móng, đó là giải pháp an toàn nhất. Tuy nhiên nếu phần nền bê tông hiện hữu dày, có hàm lượng cốt thép cao và địa chất tại đó tốt, ta có thể tính toán không cần làm móng, hoặc đổ thêm 1 lớp bê tông và có 1 số cốt chịu lực mới, hoàn toàn có thể không làm móng cho nhà xe có thể lên cao 3 tầng  nếu kết cấu được tính toán bài bản, khoa học.

Hình 6, một phần tính toán nền không móng của TDHOUSE cho nhà xe bằng kết cấu thép 3 tầng

(xem tiếp phần 2)

 

Thép Pomina
Nhựa Bình Minh
VinaUSTEEL
Prime
Gạch Đồng Tâm
Hòa Phát